X

Dưỡng sinh thuật theo thuyết âm dương ngũ hành

Về chăm sóc sức khoẻ, nếu đã theo một pháp môn đạo sinh thì bạn hãy cứ duy trì và theo học đầy đủ. Kiến thức mỗi nơi truyền thụ một khác nhưng về tổng thể sẽ có một ý nghĩa đầy đủ hơn là theo nửa chừng. Kể từ năm 2014 trở đi, ở Việt Nam nói riêng và Thế Giới nói chung, tiết khí sẽ có nhiều biến đổi mạnh. Ngoài những tượng quẻ trên các lĩnh vực tôi không tiện đề cập cụ thể thì sức khoẻ con người cũng chịu ảnh hưởng không ít. Nay, tôi xin chia sẻ một số kiến thức căn bản trích từ Hoàng Đế Nội Kinh dành cho những ai không theo pháp môn nào, còn những bạn đang theo tập có bài bản cũng chỉ nên tham khảo, xin đừng vướng vào những điều này trong lúc luyện tập các môn khác.

Luận dưỡng sinh theo thuyết cổ xưa

Trong việc chăm sóc sức khỏe có rất nhiều vấn đề, nhưng cổ nhân đã quy nạp thành 4 ý cơ bản như sau:
– Tu dưỡng tinh thần
– Rèn luyện thân thể
– Ăn uống và làm việc điều độ
– Thích ứng với sự vận hành của trời đất và vạn vật

Nói về tu dưỡng tinh thần, các bạn có thể tập thiền, việc này sẽ hình thành thổ khí cho tứ duy kim, thủy, mộc, hỏa vận hành tốt hơn trong cơ thể. Còn rèn luyện thân thề, hiểu đơn giản là các bạn hãy tìm chọn cho mình một môn thể thao nào đó giúp cơ thể có tích có phát, có nạp có xả. Nếu đang làm việc thiên về cơ bắp, hãy chú trọng về tu dưỡng tinh thần nhiều hơn.

Việc ăn uống điều độ có thể hiểu là ăn ít nhai kỹ, hạn chế việc ngũ tạng gồm tim, gan, tì, phế, thận phải hoạt động vượt công suất. Bản thân việc nhai không kỹ và ăn quá no thì Tây Y cũng đã giải thích rất rõ. Còn nói về làm việc, hãy sắp xếp thời gian hợp lý, đừng đua đòi với sự sung túc nhất thời mà làm chân nguyên thất thoát. Vì lẽ làm việc và nghỉ ngơi không điều độ, không có thói quen nhất định nên đa phần đến khoảng 50 tuổi là trông đã già đi rất nhiều.

Phần mà tôi muốn đề cập chi tiết nhất chính là việc “thích ứng với sự vận hành của trời đất và vạn vật”. Đây là một khái niệm rất lâu đời nhưng cũng rất khó nhận thức và ý thức rõ. Lời lẽ cổ nhân thì thâm sâu khó hiểu, nay tôi cũng xin mạo muội nhắc nhở những gì cơ bản nhất bằng ngôn ngữ của thời hiện đại để những ai có duyên đọc được nhanh chóng có thể áp dụng.

4 nguyên tắc dưỡng sinh

1. Bảo dưỡng tinh thần làm cho tình cảm yên ổn, chân khí sẽ sung túc

Đây chính  là sự phòng ngừa tác nhân từ bên trong. Tinh thần mà dao động, căng thẳng hay muộn phiền tất nhiên sẽ là chỗ hở để sự tác động bên ngoài len lỏi vào bên trong cơ thể.

2. Vậy tinh thần hưng phấn có tốt hay không?

Mọi người đừng quên rằng “Cực thịnh tất khởi suy, cực suy tất khởi thịnh”. Ở một biên độ dao động nhỏ của vui buồn, chúng ta sẽ dễ dàng kiểm soát, nhưng nếu để mình luôn cảm thấy hạnh phúc 1 cách thái quá, hào hứng, hay vui vẻ quá lâu sẽ là tiền đề cho sự thất vọng hay muộn phiền sau này. Điều này nghe qua tưởng vô lý nhưng những ai nghiên cứu duy tâm 1 chút sẽ dễ dàng chấp nhận hơn. Thực tế là khi vui mừng, hào hứng phấn khởi, bạn cũng nên dặn mình dừng lại đừng để mất kiểm soát. Biết vui đấy, biết hy vọng đấy nhưng không làm thay đổi sinh hoạt thường ngày của mình, đừng ăn mừng quá đà, cũng đừng tưởng tượng quá xa về những hạnh phúc mình sẽ đạt được. Hãy lấy yên tâm, an lạc làm tiền đề hướng đến.

3. Phong Thủy cơ bản chỉ cần hài hòa, quân tâm hướng nhà cửa và nơi làm việc

Mỗi cơn gió đều mang sự thay đổi khi đi kèm, tác động của nó tốt hay xấu là phải kết hợp với việc hiểu rõ bản chất Dụng Thần, Kỵ Thần trong bát tự cũng như tính chất âm dương, ngũ hành trong vị trí địa lý và luồng khí di chuyển. Thay vì tìm hiểu sâu vào “Cửu Cung Bát Phong”, gió của 8 phương để tính ra quan hệ âm dương ngũ hành trong lục phủ ngũ tạng thì tôi xin được rút gọn và đề cập thằng vào vấn đề mà tôi cho rằng đơn giản, then chốt. Đó là thuật xem Phong Thủy ở cấp độ trung bình, nhà đón gió hướng nào thì chú ý chăm sóc cơ thể có liên đới, cần lưu ý luôn những nơi mình hay sinh hoạt làm việc ở đó chẳng hạn như cơ quan, hướng xe di chuyển từ nhà đến cơ quan, nhưng đừng phức tạp hóa vấn đề, giải quyết được 1 phần cũng là tốt rồi, đừng cầu toàn mà thành ra lòng bất an, không thể bảo dưỡng tinh thần như ý số 1.
– Đông – Chấn Mộc: liên quan gan, mắt, gân, khớp
– Tây – Đoài Kim: liên quan phổi, da, hệ hô hấp
– Nam – Ly Hỏa: liên quan tim mạch
– Bắc – Khảm Thủy: liên quan thận, xương
– Đông Bắc – Cấn Thổ: liên quan đại tràng, 2 xương sườn dưới nách
– Đông Nam – Tốn Mộc: liên quan dạ dày, cơ nhục, biếng ăn, cơ bắp nhão và suy yếu
– Tây Bắc – Càn Kim: liên quan tiểu tràng. Riêng gió từ hướng Càn là hợp khí của sự rét buốt từ phương Bắc, khắc nghiệt từ phương Tây dễ tổn hại cho khí sinh dương, nếu là kỵ thần có thể gây đột tử đối với những người thể trạng và tinh thần kém.
– Tây Nam – Khôn Thổ: liên quan tỳ, bắp thịt tay chân, hệ hấp thu thức ăn.

4. Đạo âm dương thuận nó thì sống, nghịch nó thì chết.

Trong quyển “Tứ khí điều thần” cũng có nói Xuân Hạ dưỡng Dương, Thu Đông dưỡng Âm. Đây cũng là câu then chốt để áp dụng trong vấn để xem xét hướng gió ở đoạn trên và chế độ sinh hoạt ở dưới đây tôi sắp trình bày. Cần nắm rõ sự vận hành khí hậu 4 mùa Xuân Hạ Thu Đông thực chất là biểu hiện của Thiếu Dương, Thái Dương, Thiếu Âm, Thái Âm. Trong tứ chính hay còn gọi là quan hệ tứ đại của vũ trụ không khác gì Sinh Trưởng Hoại Tử. Vậy nên sống và sinh hoạt ngoài vấn đề vị trí địa lý, hướng nhà cửa còn phải quan tâm khí hậu 4 mùa như sau:

  • Mùa Xuân: tính từ tiết Lập Xuân (khoảng ngày 4/2), vạn vật bắt đầu sinh sôi, thay cũ đổi mới, sinh khí ngất trời. Con người sống hòa nhập với vũ trụ cần nhớ:
    – Hạn chế sát sanh, chiếm hữu, đánh đập hay chung quy là khống chế sự sinh sôi nảy nở của bất kỳ sự việc, sự vật nào.
    – Nên dậy sớm tản bộ hoặc vận động thể thao.
    – Sau tiết Xuân Phân ( khoảng ngày 21/03) nên đi ngủ sau giờ Hợi (sau 11h), trước tiết này trời vẫn còn lạnh, vẫn nên đi ngủ sớm trước khi kết thúc giờ Hợi.
  • Mùa Hạ: tính từ tiết Lập Hạ (khoảng 6/5), đây là giai đoạn vạn vật trưởng thành, phồn vinh tươi tốt, khí đất bốc lên giao hợp với khí trời giáng xuống. Con người sống hòa nhập với vũ trụ cần nhớ:
    – Cần giữ tâm mình bình an hưởng lạc, mùa này Hỏa và Thổ mạnh, tâm trí dễ bốc đồng nổi nóng, cần chú trọng kiểm soát. Tuy nhiên, vẫn cứ nên vui cười ra mặt, sống hồn nhiên như một đứa trẻ.
    – Chăm chỉ vận động càng nhiều càng tốt, tranh thủ tích khí phát khí, nạp xả vượt giới hạn để gia tăng nội lực, giới hạn của bản thân.
    – Nên ngủ ít, hạn chế ngủ trưa quá lâu.
  • Mùa Thu: tính từ ngày 7/8, giai đoạn vạn vật chín rụng, sau sự giao hợp của đất trời là lúc gặt hái. Khí đất trời lúc này trong trẻo và mát mẻ, vạn vật bắt đầu biến sắc, con người cần chú ý:
    – Thu liễn thần khí, giữ gìn yên tĩnh cho phế khí, tránh làm tâm trạng căng thẳng vì mùa này ý chí con người dễ bị tổn hại.
    – Hãy ngủ sớm, càng sớm càng tốt. Khi ngủ tuyệt đối đừng mang theo suy nghĩ về công việc.
    – Cố gắng dậy sớm, vận động vừa phải, khuyến khích hít thở và tìm lấy sự bình yên thanh thản trong tiết khí mùa này.
  • Mùa Đông: tính từ ngày 7/11, giai đoạn vạn vật bế tàng, ở miền xa xích đạo thậm chí là băng tuyết bao phủ, vạn vật có khi bị tất công đến khô héo và nứt nẻ. Con người hòa nhập vũ trụ cần phải:
    – Mọi bề suy nghĩ, cảm xúc, ý chí đều cố gắng trầm lặng, không biểu lộ ra ngoài. Tạo cho mình thần thái ẩn sau khuôn mặt lạnh, như mai phục bế tàng. Đây là 1 điều rất khó nhưng nếu có điều kiện hãy cố gắng tập. 🙂
    – Hoạt động chậm rãi, từ tốn. Vận động đủ ấm. Nếu biết bế tàng dương khí thì có thể vận động thoải mái, còn ngược lại, hạn chế vận động.
    – Hãy ngủ nướng 🙂 Và nếu vì công việc không thể ngủ nướng, hãy đi ngủ thật sớm.

Bên trên là những phân tích nho nhỏ nhằm giúp cho những bạn nào xưa nay chưa chú ý đến sự sinh hoạt điều độ. Tất nhiên có những môn phái khí công đã bao gồm cả những bài luyện tập bảo đảm cơ chế tích, phát, khai, bế khí sẽ có giờ giấc và cơ chế luyện tập khác với những gì tôi đã nêu ra. Các bạn hãy tin tưởng và theo học đúng với những gì các bạn đang theo chứ đừng vướng vào những gì tôi chia sẻ mà thất lễ với sư phụ của mình.

3.1/5 - (7 bình chọn)
Categories: Dưỡng sinh
Related Post