X

Hãy hiểu cho đúng về nạp âm

Dù là nghiên cứu phong thủy hay là mệnh lý lá số các kiểu, đa số đều gọi tên nạp âm như thể đó là Dụng Thần hay “nguyên khí” của mỗi người vậy. Thực ra hiểu vậy là sai!

Số là số, khí là khí, sao lại lấy khí để áp dụng vào số?

Nạp Âm là gì?

Nạp Âm thường được hiểu theo Niên Mệnh trong Lục Thập Hoa Giáp. Các thầy phong thủy thường hỏi thân chủ của mình sinh năm bao nhiêu và nhắc đến Lư Trung Hỏa, Hải Trung Kim, Tang Chá Mộc, Trường Lưu Thủy này nọ. Nhưng nó có phải là Ngũ Hành trong thuyết Thiên Địa Nhân hay không? Phần lớn đều nhầm lẫn.

Hãy cùng nhau tìm hiểu sâu xa hơn về nguồn gốc nạp âm 60 hoa giáp, ngày xưa các tiền bối dựa vào thanh luật cổ đại Trung Hoa, chia âm nhạc thành 5 âm và 12 luật. 5 âm là Cung Thương Giốc Chủy Vũ, 12 luật là Hoàng Chung, Đại Lữ, Thái Thốc, Hiệp Chung,… Từ đó phối thành 60 âm luật.

Nguyên tắc ấy cũng tương tự với việc phối 10 thiên can và 12 địa chi, phân thành âm dương đan xen ngũ hành, lấy đó mà đặt tên cho 60 cặp thiên can và địa chi. Đây chung quy chỉ là một trò chơi tổ hợp số, mặc dù kèm theo đó là những sự trùng hợp vô cùng kỳ diệu, thuận cả Thái Huyền lẫn Hà Đồ, Lạc Thư.

Bản thân tôi cũng rất đắn đo khi viết bài này. Nhưng cũng như ý định ban đầu khi mở trang web, một phần chia sẻ cảm hứng thơ văn, một phần tôi sẽ chỉ các bằng hữu cách xem Phong Thủy cơ bản nhất để mọi người có thể tự xem và cứu vận cho bản thân. Bên cạnh đó, hơn tất cả những mục đích trên, điều tôi mong muốn nhất là khi kiến thức về học thuyết Âm Dương Ngũ Hành này được phổ biến, mọi người sẽ nhìn ra cái gọi là lẽ sống và quy luật của vũ trụ này.

Về Phong Thủy, bản thân tôi cũng từng xem theo nhiều cách cổ điển đang tồn tại ở Việt Nam, nhưng sau này kiểm chứng thấy không chính xác. Mãi sau nay có duyên nghiên cứu các trường phái Phong Thủy của Trung Hoa và tổng hợp lại tất cả những sách mà tôi đọc từ năm 1999 đến giờ, tôi mới tìm ra câu trả lời hợp lý nhất cho bản thân mình, đáp án chung của các môn liên quan đến Thuật Số, Dịch học, Đông Y,…v..v..

Nay xin đưa ra những luận điểm ấy cho mọi người tham khảo, nhưng chúng ta phải nhất mực một điều, tôn trọng những gì các bậc tiền bối đã dày công truyền thu cho thế hệ chúng ta đến giờ. Và nếu mọi người cảm thấy kiến thức của tôi không chính xác, xin cứ lưu lại để sau này kiểm nghiệm thêm. Vì Dịch học cũng đòi hỏi đọc nhiều, tư luận và thực hành chứ không đơn giản chỉ dừng lại ở tư luận. Những gì tôi tư luận và thực hành chỉ là phần của tôi, bản thân các bạn khi đọc cũng cần phải có chính kiến riêng của các bạn. Khi đó các bạn mới thật sự tìm ra con đường xuyên suốt Dịch học.

Nạp Âm không mang giá trị về Khí

Nếu bạn dùng Nạp Âm để xem tử vi, tóm lược lại những đặc điểm chung nhất của một nhóm người trong số 30 nhóm người thì nó không sai. Nhưng nếu dùng Nạp Âm để luận về khí, tương sinh tương khắc là một nhầm lẫn nghiêm trọng.

Ví dụ một người sinh năm 1984, nạp âm năm sinh của anh ta là Hải Trung Kim, hay người sinh năm 1986 thì nạp âm năm sinh của người đó là Lư Trung Hỏa. Những cái tên Hải Trung Kim, Kim Bạc Kim, Bạch Lạp Kim, Tang Chá Mộc, Giản Hạ Thủy,..v…v.. tổng công 60 tên gọi thường được gán với một hệ trong ngũ hành Kim, Thủy, Mộc, Hỏa, Thổ.

Và hiện nay, các nhà Phong Thủy nước ta vẫn đang xem ngũ hành khiếm khuyết cho các gia chủ của họ dựa theo những tên gọi nạp âm này. Hoặc phổ biến hơn, những người không nghiên cứu phong thủy cũng thường căn cứ vào tên gọi nạp âm năm sinh này để tìm công việc, màu sắc phù hợp với mình. Chẳng hạn người mạng Kim nên trang trí màu trắng, bán vàng hoặc đầu tư đất đai vì Thổ sinh Kim,.v..v… Điều này đúng hay sai?

Tôi lấy ví dụ về toán học như sau:

– Trong hình học ta có công thức từ định lý Pitago: a2 + b2 = c2
– Trong đại số ta có hằng đẳng thức: (a + b)2 = a2 + 2ab + b2

Một ngày nọ chúng ta đem gộp 2 công thức đó lại và kết luận (a + b)2 = c2 + 2ab

Tất nhiên điều đó là sai, nhưng thỉnh thoảng có trùng hơp và nó đúng. Vậy điều nhầm lẫn ở đây của một số đông các tiền bối là gì? Không phải là vấn đề trình độ, nhưng do cách dùng từ một thời gian dài dẫn đến hiểu nhầm hết đời này sang đời khác. Trong bộ môn Tử Bình Bát Tự, khi đánh giá toàn cục của một người, tôi sẽ chỉ cho họ bối cảnh Bát Tự của họ, cụ thể là gọi nguyên khí (nhân nguyên) của họ so với nguyệt lệnh và các thông tin còn lại của Bát Tự, từ đó đưa ra lời khuyên cho họ trong cuộc sống.

Ví dụ một lần nọ, tôi gặp một người sinh ngày Canh Tý, tháng Quý Hợi, nguyên khí của anh ta là Canh, tức là mỏ vàng, nguyệt lệnh là Quý Hợi, hoàn toàn là nước, lại vào mùa Đông, lúc này Quý Hợi cũng đang đạt uy thế mạnh nhất, ngay cả địa chi trong ngày sinh cũng lại là chữ Thủy, vậy nên tôi gọi anh ta là mỏ vàng chìm dưới đáy nước (nhật nguyên Canh trong nguyệt lệnh Thủy và xuất can Thủy)

Anh ta chối ngay, “Không không, tôi sinh năm 1973, là Tang Chá Mộc chứ sao lại Hải Trung Kim“. Và tôi cũng phải tốn 1 ít thời gian để giải thích cho anh ta phân biệt một bên là nạp âm thủ tượng, một bên là luận về khí trong bát tự.

Cũng từ đó, theo ý kiến chủ quan của tôi, có thể trong quá trình truyền đạt ngày xưa, các vị tiền bối cũng đã nhầm lẫn tương tự. Thế nên mới có trường hợp một lần tôi xem Phong thủy cho một người, bát tự anh ta cực kỳ nóng, là con sông (Nhâm) chảy giữa hoang mạc đang khô kiệt không có một giọt nước, vậy mà có người lại đề nghị anh ta trang trí nhà cửa màu đỏ, làm nghề điện tử chỉ vì thấy anh ta sinh năm 1987, tức là Lư Trung Hỏa, gọi tắt là mệnh Hỏa. Tất nhiên anh ta đã suy vận nặng nề.

Chung quy lại, vấn đề thứ nhất tôi muốn chia sẻ với mọi người: Tên gọi Nạp Âm của năm sinh không có ý nghĩa về khí trong hệ ngũ hành.

Người mạng Hỏa vẫn có thể hạp Kim, hạp Thủy

Hãy quan sát kỹ những người xung quanh bạn, sẽ có những người sinh năm Thủy nhưng lại vào mùa Đông, và vì thế họ thích nạp Hỏa hơn là Thủy, ngược lại, có người sinh năm Hỏa nhưng lại vào mùa Thu, thế là họ thích nạp Mộc hơn là nạp Hỏa. Nếu nạp ngược lại, họ chắc chắn suy vận. Cũng tức là cùng sinh năm 1981, vẫn có khoảng hơn 4000 trường hợp ngũ hành khiếm khuyết khác nhau chứ không phải cứ ai sinh năm 1981 cũng cần Thủy. Đây cũng là vấn đề mà những người mới nghiên cứu Phong Thủy hay gặp, nhất là trường phái Phong Thủy Tứ Trạch thịnh hành năm 2008.

Hẹn gặp các bạn trong bài viết tiếp theo. tôi xin dừng để mọi người tiện theo dõi. Kỳ sau tôi sẽ làm bảng Tra cứu Dụng Thần. Các bạn có thể tham khảo để hiểu chính xác hơn và ứng dụng hữu hiệu hơn.

4.8/5 - (6 bình chọn)
Summary
Article Name
Hãy hiểu cho đúng về nạp âm
Description
Dù là nghiên cứu phong thủy hay là mệnh lý lá số các kiểu, đa số đều gọi tên nạp âm như thể đó là Dụng Thần hay "nguyên khí" của mỗi người vậy. Thực ra hiểu vậy là sai!
Author
Publisher Name
Blog Kỳ Dương
Publisher Logo
Related Post